Quan hệ Việt Nam, Trung Quốc, 40 năm nhìn lại

Thứ Ba, ngày 19/2/2019 - 16:15 Đã xem: 860

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400 km. Mặc dù “núi liền núi, sông liền sông”, hai dân tộc cũng đã từng có mối quan hệ truyền thống nhưng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh và cuộc chiến phi nghĩa 17/2/1979 của Trung Quốc khi xâm lược Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh bị nhân loại tiến bộ lên án nhất.

Sau năm 1975, khi Việt Nam vừa thống nhất đất nước, trước muôn vàn khó khăn thử thách, đang nỗ lực xây dựng và tái thiết đất nước thì phía Trung Quốc tiến hành các hoạt động khiêu khích, xung đột vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc. Khi người Việt Nam chưa quên sự giúp đỡ của nước láng giềng lớn Trung Quốc - một nước xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thì sự kiện 17/2/1979 đã nổ ra, nhà cầm quyền Trung Quốc đã ra lệnh gây chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử (theo cách nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) - câu chuyện về sự rạn nứt của mối quan hệ láng giềng thân thiện. Vì mục tiêu, ý đồ của họ, ngay từ những năm đầu Việt Nam thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Với khát vọng hòa bình, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết căng thẳng trên biên giới phía Bắc, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp sự nỗ lực đó. Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Trên các mặt trận biên giới phía Bắc, từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) đến Lai Châu, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Quảng Ninh, quân và dân ta đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù phải tuyên bố rút quân, nhưng sau ngày 18/3/1979, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên làm cho tình hình căng thẳng kéo dài đến năm 1989. Đã 40 năm qua, nhân dân Việt Nam chưa thể nguôi quên những tổn thất mà Trung Quốc gây ra trên vùng biên giới phía Bắc Tổ quốc. Những người mẹ, người vợ, người con và vẫn ngày đêm thương nhớ người cha, chồng, người anh, em…Đất nước không bao giờ quên ơn những liệt sỹ, thương binh đã cống hiến cả cuộc đời vì sự bình yên của Tổ quốc,  nhiều người dân vô tội đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống này và “câu chuyện buồn” ấy mãi mãi đi vào lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Hơn 10 năm sau, năm 1991, hòa với xu thế phát triển của thế giới, Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ trên cơ sở 5 nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Năm 1999, hai bên đã đàm phán và ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền”. Năm 2009, hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền. Hai nước cũng đã ký “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” năm 2002 và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ” năm 2004. Ngay khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã nhất trí thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài về vấn đề Biển Đông trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông năm 2002 (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN. Từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước đã được khôi phục và phát triển. Các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, quốc phòng, an ninh…đều có những bước tiến quan trọng. Lãnh đạo hai nước thường xuyên có các chuyến thăm và gặp gỡ bên lề hội nghị quốc tế, qua các cuộc gặp cấp cao; duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các cấp của hai Đảng, quan hệ giữa các ngành, các địa phương, giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được triển khai hàng năm. Trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều không ngừng phát triển. Năm 1991, kim ngạch thương mại hai bên chỉ là 32 triệu đô-la Mỹ, năm 2010, kim ngạch thương mại song phương lên tới 27,3 tỷ đô-la Mỹ, Năm 2017, chỉ số này là 93,69 tỷ đô-la Mỹ. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng. Từ tháng 11/1991 đến tháng 12/1999, có 76 dự án với 120 triệu USD đầu tư tại Việt Nam. Nhưng chỉ 10 năm sau, vào tháng 12/2009 đã có 657 dự án với số vốn đăng ký hơn 2,6 tỉ USD. Năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (gồm cả Đài Loan) là 1,3 tỉ USD thì đến năm 2017 đã tăng 2,7 lần, bình quân mỗi năm tăng 18%. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch giữa hai nước cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Hai nước ký kết nhiều hiệp định quan trọng về hợp tác đào tạo. Hiện số du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc khoảng 10.000 người, học sinh Trung quốc tại Việt Nam cũng gia tăng. Riêng lĩnh vực du lịch nếu năm 1993 có 17.000 lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam thì chỉ trong 11 tháng của năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, số lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam là 4.560.895 lượt người, đứng đầu về số lượng khách quốc tế.

Thực hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, Nhân dân Việt Nam tiếp tục nâng cao cảnh giác, bảo vệ, gìn giữ và xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời không ngừng vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, để mối quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

                                                                                      

 Nguyễn Nhung 

Xem tin theo ngày:   / /