Đoàn ĐBQH tỉnh cho ý kiến vào chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, ngày 5/1/2022 - 10:41 Đã xem: 709

Chiều ngày 04/01/2021, dưới sự chủ trì của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành thảo luận tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng tham gia phiên thảo luận tổ có lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tuyên Quang.

Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình với các lý do được nêu cụ thể trong tờ trình của Chính phủ. Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đề cập đến đầy đủ các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Các đại biểu nhấn mạnh, khi dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là tại các đô thị lớn, khu đông dân cư. Các đại biểu cho rằng, mục tiêu hàng đầu hiện nay là Chính phủ tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời cần ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung thêm giải pháp đầu tư phát triển con người.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH tỉnh

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách việc làm cho công nhân mất việc làm tại các địa phương. Về lâu dài cần tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng các đại biểu đề nghị cần tiếp tục tính toán, rà soát kỹ danh mục dự án, bảo đảm việc bổ sung nguồn lực cho các dự án đầu tư công phải gắn với khả năng hấp thụ vốn; việc lựa chọn các dự án đưa vào danh mục đầu tư cần bám sát các nguyên tắc, tiêu chí đã được nêu trong chính Đề án và các nguyên tắc, tiêu chí như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trong Đề án Chính phủ dự kiến bố trí vốn cho một số dự án đường cao tốc hiện nay chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án đường bộ cao tốc đoạn Tuyên Quang - Hà Giang.

Các đại biểu cho rằng, qua hơn 20 năm đưa vào khai thác, sử dụng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nói riêng, các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc nói chung, một số đoạn tuyến trên Quốc lộ 2 có lúc đã mãn tải, lưu lượng phương tiện quy đổi vượt xấp xỉ 1,4 lần so với lưu lượng theo thiết kế ban đầu. Tuyến đường quy hoạch hình thành trục đường kết nối nhanh chóng, thuận tiện từ tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Với những điểm nghẽn về kết nối giao thông liên vùng, nội vùng của tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, nhân dân 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đều mong mỏi việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang sớm được triển khai thực hiện.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng Tuyên Quang - Hà Giang sẽ tăng cường tính kết nối của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc; kết nối tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ,… Ngoài ra, dự án này có tác động lan tỏa và đã cơ bản chuẩn bị xong thủ tục đầu tư. Dự án có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế. Đặc biệt dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc, kết nối thông thương tăng cường phát triển kinh tế cho các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây là các tỉnh có trình độ phát triển kinh tế còn thấp, cần được quan tâm đầu tư và phát triển vùng để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh; đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.

                                                                                                                                                                     Theo Báo TQĐT

Xem tin theo ngày:   / /