Ngày 4-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu: “Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tập trung chỉ đạo, điều phối các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”. Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia, do vậy, kế hoạch xác định 5 chỉ tiêu quan trọng về: Dữ liệu số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an toàn, an ninh mạng.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Về dữ liệu số, các chỉ tiêu quan trọng gồm: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục; 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở; 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP/LGSP); trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động…
Về chính phủ số: 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến…
Về kinh tế số: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trên 16%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%; trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số…
Về xã hội số: Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 85%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân trên 20%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%....
Về an toàn, an ninh mạng: Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đạt trên 80%. Cùng với đó, tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trên 30%; 20% thuê bao điện thoại di động thông minh có dùng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản…
Thủ tướng Chính phủ phân công chi tiết những nhiệm vụ trọng tâm giao các thành viên Ủy ban Quốc gia trực tiếp chỉ đạo cũng như những nhiệm vụ giao Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối, đôn đốc thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và kế hoạch Năm dữ liệu số quốc gia; chủ trì, chỉ đạo, các địa phương phối hợp thực hiện phổ cập điện thoại di động thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phát triển hệ sinh thái điện toán đám mây Việt Nam đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phân tích, xử lý dữ liệu lớn và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ công tác trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thành phố Hà Nội lựa chọn một số quận, huyện và tổ chức triển khai mô hình quận, huyện chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các phường, xã trên địa bàn của quận, huyện được lựa chọn; ban hành kế hoạch hành động triển khai mô hình quận, huyện chuyển đổi số điển hình trong quý I-2023, tổ chức sơ kết trong tháng 9-2023, tổng kết trong tháng 12-2023.
Theo Hà Nội mới