Công bố Chỉ số DDCI năm 2022 và đối thoại doanh nghiệp quý II-2023

Thứ Hai, ngày 22/5/2023 - 10:26 Đã xem: 284

Sáng 20-5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh đã tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2022 và đối thoại doanh nghiệp quý II-2023.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã công bố Chỉ số DDCI tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Theo đó, đã có 1.919 sở, ban, ngành, huyện, thành phố, đơn vị trên địa bàn tỉnh được khảo sát. Trong đó có: 1.558 doanh nghiệp, 281 hợp tác xã, 80 hộ kinh doanh cá thể. Kết quả, đối với cấp huyện, Sơn Dương đứng đầu với 87,71/100 điểm; Chiêm Hóa đứng thứ 2 với 86,47 điểm; Hàm Yên xếp thứ 3 với 75,85 điểm; Yên Sơn đứng thứ 4 với 73,69 điểm; Na Hang đứng thứ 5 với 49,73 điểm; thành phố Tuyên Quang thứ 6 với 40,64/m điểm; Lâm Bình cuối bảng với 21,11 điểm.

Đại biểu doanh nghiệp, HTX tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Đối với các sở, ban, ngành, Sở Tư pháp đứng đầu với 84,93 điểm; Sở Tài Nguyên và Môi trường đứng cuối bảng với 10,51 điểm. Đối với các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đứng thứ nhất với 88,48 điểm; Chi cục Hải Quan đứng cuối bảng với 36,53 điểm.

Lãnh đạo VCCI phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Tại hội nghị, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần PCI tỉnh Tuyên Quang và đề xuất một số giải pháp để cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

Đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp tại chương trình, lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trả lời kiến nghị mà các doanh nghiệp quan tâm như chính sách, giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận với các chương trình, dự án trên địa bàn huyện Lâm Bình; phản ánh của doanh nghiệp trong phiếu khảo sát chỉ số DDCI về giải quyết các thủ tục về đất đai cho người dân và doanh nghiệp còn chậm; ngành Điện có nhiều văn bản, quy định gây bất lợi cho khách hàng, doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 và nhưng năm tiếp theo. 

Lãnh đạo doanh nghiệp Hiệp Phú phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu trả lời ý kiến doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao những đóng góp của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI và những kết quả mà các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng chí khẳng định, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch Covid-19.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; xây dựng chính quyền năng động, thân thiện, chuyển từ tư duy “cấp phép” sang “phục vụ”; tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, rào cản, “điểm nghẽn” gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành với cấp ủy, chính quyền tích cực tham gia, đóng góp những ý tưởng, giải pháp, những ý kiến phản biện mang tính chất xây dựng để cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực PCI của tỉnh… 

                                                                                                                                Theo Vân Anh/baotuyenquang.com.vn

 

Xem tin theo ngày:   / /