Những giá trị trường tồn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Ba, ngày 14/5/2019 - 07:50 Đã xem: 23625

Là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam bản Di chúc lịch sử - một trong những Bảo vật quốc gia. Với giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, Di chúc mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 

Bản Di chúc trước hết là tâm nguyện, ý chí, tình cảm, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc, nhân dân. Với tâm nguyện “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương vì Tổ quốc, vì nhân dân bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng và những giá trị nhân văn cao cả Người để lại. Với ý chí, niềm tin, tình cảm, trách nhiệm lớn lao, Di chúc thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng với niềm tin tưởng mãnh liệt vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong hoàn cảnh chiến tranh đang hết sức ác liệt đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và niềm tin tất thắng của Người, đồng thời là những chỉ dẫn có ý nghĩa hết sức quan trọng về công việc còn đang dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân, là tấm lòng chung thủy của một chiến sỹ cộng sản quốc tế “bầu bạn với khắp năm châu” trước khi trở về cõi vĩnh hằng.

 

Được ví như một công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó máu thịt với nhân dân. Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong Đảng phải giữ gìn mối đoàn kết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Công tác chỉnh đốn Đảng được coi là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Di chúc nhấn mạnh sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, lâu dài, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, Vì vậy, Đảng phải chăm lo phát triển lực lượng của mình.“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, nội dung cần bồi dưỡng là lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước, rèn luyện đạo đức cách mạng, tri thức và kỹ năng cần thiết để có đội ngũ cán bộ đủ sức kế tục sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các Đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Điều đó được khẳng định trong Di chúc: “về phong trào cộng sản thế giới”, đó cũng là những chỉ dẫn quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Đảng, là nguyên tắc đoàn kết quốc tế dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình”.

 

Di chúc của Hồ Chí Minh còn là một tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam và phác thảo sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Trong Di chúc, tư tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được vạch ra phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, từ mối quan hệ giữa tiến bộ và công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, tư tưởng lấy dân làm gốc,... Di chúc cũng như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: đào tạo nguồn nhân lực cho CNXH; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; phát triển văn hóa, miễn thuế nông nghiệp cho dân,... Ngay khi dặn dò “về việc riêng” của Người cũng đã thể hiện ý tưởng về một đời sống văn hóa mới, một lối sống tiết kiệm, hòa mình với thiên nhiên, gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái,...

 

Với quan niệm đổi mới là tất yếu để xây dựng và phát triển, nhưng xác định là một cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài, gian khổ, “là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, Người viết: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” để đổi mới thành công. Người đồng thời chỉ ra rằng, cần đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Năm mươi năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta dành nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên CNXH. Đảng đã kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng Đảng đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn xã hội; quan tâm chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ; xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế. Biết ơn Người, mỗi người dân Việt Nam luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện lời hứa với Bác năm mươi năm trước: “quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công!”.

                                                                                      

                                                                                                                                                 Tuyết Nhung

                                                                                                                                        Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 66 | Trang: 1 trên tổng số 7 trang  
Xem tin theo ngày:   / /