Chi bộ Mỏ Than: dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 20/1/2020 - 09:51 Đã xem: 6860

Chi bộ Mỏ Than, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được thành lập ngày 20/3/1940. Như một dấu son trong tiến trình phát triển của lịch sử, Chi bộ Mỏ Than đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết cần có một tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Mỏ than, phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động không ngừng lớn mạnh, tạo tiền đề cho sự thành lập của Ban Cán sự Đảng tỉnh Tuyên Quang vào giữa năm 1941 và sau này là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, mở ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng ở địa phương.

 

Ngược dòng lịch sử, với sự kiện thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà năm 1858, chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ một quốc gia phong kiến, nước ta đã trở thành một “xứ thuộc địa”, nhân dân ta phải chịu sự áp bức bóc lột tàn nhẫn của kẻ thù. Ngày 31/5/1884, thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, chúng tiến hành khai thác, bóc lột nhân dân ta hết sức nặng nề, công nhân tại các mỏ than, mỏ kẽm tại Thị xã Tuyên Quang, Tràng Đà, Đầm Hồng, nông dân tại đồn điền Yên Bình…phải làm việc quần quật, bị đánh đập, miệt thị, khinh rẻ, cúp phạt vô cớ. Hàng loạt thứ thuế bất công, vô lý đè nặng lên vai họ. Với các chính sách “chia để trị”, “ngu dân”, 99% dân số của chúng ta mù chữ. Thực dân Pháp còn công khai mở nhiều nhà chứa, sòng bạc, đại lý bán rượu…hòng đầu độc nhân dân ta, đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra sâu sắc.

 

Tình hình cách mạng trong nước lúc này có những biến chuyển mạnh mẽ. Ngay sau khi được thành lập (03/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam  đã tích cực lãnh đạo mở rộng các phong trào đấu tranh trên cả nước. Tháng 6/1937, đồng chí Hoàng Văn Lịch (tên gọi khác là Hai Cao), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được phân công hoạt động tại Mỏ than thị xã Tuyên Quang để giác ngộ tinh thần yêu nước, căm thù đế quốc phong kiến, chống lại sự áp bức của chủ mỏ đối với anh em công nhân. Giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Lịch được điều về Cao Bằng, đồng chí Vũ Mùi được xứ ủy Bắc Kỳ phân công lên phụ trách phong trào cách mạng ở Tuyên Quang, tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ công nhân và nhân dân lao động. Ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân lao động ở Tuyên Quang. Cuối 1938, đã nổ ra hai cuộc đình công của công nhân Mỏ than thị xã Tuyên Quang đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt. Những cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than và đoàn thuyền sắt đã tác động đến nhân dân thị xã và công nhân các vùng phụ cận. Phạm vi hoạt động của tổ chức cách mạng đã lan đến khu vực soi Hồng Lương và soi Sính, nhiều cơ sở quần chúng trung kiên được thành lập, là nền tảng quan trọng cho bước phát triển phong trào cách mạng của tỉnh.

 

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng địa phương, Xứ ủy Bắc kỳ đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng ở Tuyên Quang để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 20/3/1940, Chi bộ Mỏ than được thành lập tại nhà đồng chí Cả Kiến  (tức Ninh Văn Kiến), nay là tổ 12 phường Minh Xuân. Xứ ủy Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Đào Duy Kỳ, xứ ủy viên thay mặt Xứ ủy công nhận và giao nhiệm vụ cho chi bộ. Chi bộ Mỏ than gồm 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai, Trần Xuân Hồng, Bùi Văn Đức, Lương Hải Bằng, Trần Hải Kế, Trần Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư chi bộ.

 

Chi bộ Mỏ Than đã tuyên truyền, giác ngộ, trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động tỉnh Tuyên Quang. Sự ra đời của chi bộ là kết quả của quá trình tuyên truyền, gây dựng cơ sở bền bỉ, khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, kết quả của phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động thị xã Tuyên Quang, thể hiện sự đúng đắn của Xứ ủy Bắc kỳ trên cơ sở nắm vững và vận dụng chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng. Tám mươi mùa xuân đã qua đi, từ một chi bộ có 7 đảng viên đầu tiên, đến nay Đảng bộ tỉnh đã có một đội ngũ đông đảo với trên 56.000 đảng viên. Trải qua những giai đoạn khác nhau của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đóng góp sức người sức của cho Miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Thời kỳ đổi mới, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đạt nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển kinh tế. Đặc biệt, sau gần 30 năm tái lập tỉnh, cùng với cả nước, Tuyên Quang đã tiến hành đổi mới, đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ một tỉnh miền núi nghèo, chậm phát triển, đến nay Tuyên Quang đang phấn đấu trở thành tỉnh khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Kỷ niệm 80 năm thành lập Chi bộ Mỏ Than, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

       Tuyết Nhung - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Xem tin theo ngày:   / /