Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Thứ Năm, ngày 18/5/2017 - 07:21 Đã xem: 1162

Ngày 17-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

 

Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Tuyên Quang, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Báo cáo cho thấy, Nghị quyết đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Sau gần một năm triển khai thực hiện, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Tỉnh Tuyên Quang, tính đến nay có 1.211 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 11.384 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 35, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện cắt giảm 30% thời gian doanh nghiệp, người dân thực hiện thủ tục hành chính. Tỉnh thường xuyên tổ chức các Chương trình đối thoại doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân… Qua đó, tạo được niềm tin của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, hạn chế trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Trong đó, về thể chế chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo trong nhiều quy định; quy định chưa sát thực tế; thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn xảy ra; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp... Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội hoàn thiện các dự án luật nhằm tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp; rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có một số việc cụ thể như: Xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế; tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo: Báo TQĐT

 

 

Xem tin theo ngày:   / /