Ngân hàng gỡ khó cho ngành chăn nuôi lợn

Thứ Tư, ngày 17/5/2017 - 09:38 Đã xem: 1386

Ngày 28-4-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản số 3091/NHNN - TD về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi lợn.

 

Phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang để nắm rõ hơn các giải pháp cụ thể của ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn.


Khách hàng được hướng dẫn hoàn thiện thủ tục vay vốn tại Phòng Giao dịch Agribank
chi nhánh Trung Môn (Yên Sơn). 

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay trước khó khăn của người chăn nuôi lợn, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã có những giải pháp như thế nào?

Ông Trịnh Ngọc Tuấn: Căn cứ Văn bản số 3091/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi lợn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn văn văn bản này. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y. Cụ thể như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với các khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau,… nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong cho vay đối với khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y.

Phóng viên: Xin ông cho biết, việc tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

Ông Trịnh Ngọc Tuấn: Thực hiện các chính sách của Chính phủ, của ngành, của tỉnh về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng Tuyên Quang đã ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho vay sản xuất kinh doanh đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Vốn tín dụng ngân hàng được đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề như phát triển kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi lợn…

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do biến động về giá cả đã làm cho việc phát triển ngành chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn, giá lợn bán ra giảm mạnh, cung lớn hơn cầu, các hộ chăn nuôi lợn thịt, lợn giống không tiêu thụ được; nhiều khách hàng vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư vào ngành chăn nuôi lợn đến nay gặp khó khăn trong việc trả lãi tiền vay và trả nợ gốc khi đến hạn. Tính đến ngày 20-4-2017, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh là 253 tỷ đồng, với 6.577 khách hàng, trong đó cho vay chăn nuôi lợn là 235 tỷ đồng với 6.068 khách hàng, cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi là 18 tỷ đồng với 509 khách hàng.

Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn tín dụng để đầu tư ngành chăn nuôi lợn, bước đầu các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với cho vay ngành chăn nuôi lợn với số tiền trên 20 tỷ đồng, trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do khó khăn trong tiêu thụ trong thời gian vừa qua là trên 11 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với hộ gia đình, cá nhân thực hiện chăn nuôi lợn.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên, kịp thời có những biện pháp phù hợp, cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn với ngành chăn nuôi lợn, nhằm vượt qua khó khăn, phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!                   

Theo: Báo TQĐT

 

Xem tin theo ngày:   / /